CHÀO MỪNG 22 NĂM NGÀY THÀNH LẬP NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI (04/10/2002-04/10/2024)
Góp phần không nhỏ vào thành tựu xóa đói giảm nghèo của hội viên Hội Nông dân xã nói riêng và tăng trưởng kinh tế ở xã Ea Tiêu là một quyết định mang tính thể chế đúng đắn, đó là việc thành lập Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH).
NHCSXH được thành lập để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hoạt động của NHCSXH không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0%, không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.
NHCSXH được thực hiện các nghiệp vụ: huy động vốn, cho vay, thanh toán, ngân quỹ và được nhận vốn uỷ thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho các chương trình dự án phát triển kinh tế xã hội.
NHCSXH là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu dân giàu - nước mạnh - dân chủ - công bằng - văn minh.
Mạng lưới “phủ sóng” rộng khắp của NHCSXH còn được thể hiện ở hơn 11 nghìn Điểm giao dịch tại xã/phường/thị trấn. Có thể khẳng định, hiện tại NHCSXH là tổ chức tín dụng duy nhất xây dựng được mạng lưới Điểm giao dịch trải khắp cả nước xuống tận các xã, là điều kiện tiên quyết để xoá tình trạng xã trắng về tín dụng của Nhà nước, “tạo được hệ thống dịch vụ gần dân” (theo đánh giá của Quốc hội). Điểm giao dịch tại xã vào ngày 21 hàng tháng còn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo, đồng bào DTTS tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn chính sách của Nhà nước, thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn xóm, bản làng, đến tận vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Hội Nông dân xã Ea Tiêu quản lý tổng số dư nợ của là 41.8643.799.865 đồng, số dư tiết kiệm 9 tháng đầu năm là: 2.027.203.831 đồng với 19 tổ tiết kiệm, không có nợ quá hạn, trong đó có 985 hộ vay từ các chương trình của Ngân hàng CSXH phân bổ đều cho các thôn, buôn trên địa bàn xã.
Tại các kỳ sinh hoạt, Hội Nông dân xã và cán bộ Ngân hàng CSXH huyện, phụ trách địa bàn đã phổ biến chủ trương chính sách của Nhà nước về tín dụng ưu đãi, các quy định của Ngân hàng CSXH đối với các đối tượng chính sách vay vốn; phân tích rõ lợi ích, ý nghĩa của việc chấp hành nghiêm túc quy định về sử dụng vốn đúng mục đích, chấp hành trả lãi đầy đủ hàng tháng, trả nợ đúng định kỳ đã thỏa thuận, gửi tiền tiết kiệm hàng tháng và tham gia các dịch vụ của Ngân hàng CSXH cũng như mặt trái khi không chấp hành quy định đối với người vay, người chuẩn bị vay, người chưa có nhu cầu vay hiểu rõ để từ đó nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Đồng thời thông qua tuyên truyền trực tiếp giúp cho Tổ trưởng, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, buôn biết để giám sát việc triển khai chính sách tín dụng tại cơ sở.
Bên cạnh đó, thông qua buổi sinh hoạt, cán bộ Ngân hàng thông báo về tình hình thực hiện các nghĩa vụ của Tổ TK&VV đối với Ngân hàng, tổ chức đối chiếu công khai dư nợ, tình hình nộp lãi, số dư tiền gửi tiết kiệm của từng khách hàng, kết hợp biểu dương những gương tốt, nhắc nhở những người chấp hành chưa tốt, kịp thời phát hiện những sai lệch, tiếp nhận những vấn đề vướng mắc thông qua ý kiến người dân và cán bộ cơ sở. Qua đó giải đáp, xử lý kịp thời các sai sót, sai phạm nếu có, nắm bắt và giải quyết nhu cầu vay vốn của nhân dân, chứng kiến việc bình xét đối tượng vay vốn, mức cho vay…tạo sự bình đẳng, công khai, công bằng góp phần tăng niềm tin của người dân nói chung, các đối tượng chính sách nói riêng.
Tổ tiết kiệm và vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” trong quá trình thực hiện tín dụng chính sách, góp phần giải ngân kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng, giảm chi phí, thời gian cho người vay và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp người dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình và từng bước thoát nghèo bền vững.